Thursday, 28/03/2024 - 22:23|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GD& ĐT ÂN THI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cương Tuyên truyền kết quả cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Đề cương Tuyên truyền kết quả cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chi bộ Phòng GD&ĐT Yên Mỹ trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương tuyên truyền.

Đề cương Tuyên truyền kết quả cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021


I. BỐI CẢNH, ĐẶC ĐIỂM CỦA CUỘC BẦU CỬ

Ngày 22/5/2016, cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh trong nước và thế giới có những thuận lợi, khó khăn chủ yếu sau:

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XII đề ra. Công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử to lớn trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.

Việc triển khai công tác bầu cử lần này có nhiều điểm mới theo Hiến pháp năm 2013, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Quyền con người, quyền công dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước tiếp tục được đề cao. Hội đồng bầu cử quốc gia lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp 2013, là một thiết chế có cơ cấu, tổ chức phù hợp nhằm hạn chế những bất cập trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức bầu cử trước đây, đồng thời phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Các quy trình chuẩn bị, tiến hành bầu cử được quy định và hướng dẫn cụ thể hơn, giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử thống nhất, đồng bộ, có nhiều thuận lợi, bảo đảm dân chủ và cũng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra khi chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, có nhiều điểm sáng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong thời gian chuẩn bị tổ chức bầu cử như: tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Tình hình tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp… Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc, tuyên truyền, kích động, phá hoại gây khó khăn cho công tác tổ chức bầu cử.

Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt, Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường. Các thế lực thù địch tăng cường đẩy mạnh các hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta.

II - KẾT QUẢ CUỘC BẦU CỬ

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021 đã thu được kết quả tốt đẹp.

Tỷ lệ cử tri đi bầu

Tổng số cử tri cả nước: 67.485.482 cử tri

 Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu: 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%.

Nhìn chung, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao trên 90%, trong đó, có tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt cao nhất là 99,99%; các tỉnh Yên Bái 99,98%; Quảng Nam 99,97%; Bình Thuận 99,97%; Lai Châu 99,96%; Trà Vinh 99,94%; Kon Tum, Bến Tre, Hậu Giang 99,93%...

Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội

Số lượng đại biểu Quốc hội

Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 870 người. Tổng số đại biểu trúng cử Đại biểu quốc hội trong ngày 22/5/2016 và bầu cử thêm ngày 29/5/2016 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu)[1]. Trong đó:

- Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu: Có 182 người trúng cử (đạt tỷ lệ 36,70%). Cơ cấu cụ thể: Cơ quan Đảng: 12 người; Cơ quan Chủ tịch nước: 3 người; Cơ quan của Quốc hội: 104 người; Cơ quan của Chính phủ: 17 người; Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên: 25 người; Tòa án nhân dân tối cao: 01 người; Viện kiểm sát nhân dân tối cao: 01 người; Bộ Quốc phòng: 15 người; Cơ quan công an: 03 người. Có 15 người do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử ở các địa phương.

- Đại  biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: 312 người (tỷ lệ 62,90%)

- Đại biểu tự ứng cử: 2 người ( tỷ lệ 0,4%)
   
Cơ cấu kết hợp:

- Đại biểu là người dân tộc thiếu số: 86 người (tỷ lệ 17,30%); thấp hơn 04 người so với dự kiến, nhưng cao hơn so với khóa XIII (78 người, tỷ lệ 15,60%).

- Đại biểu là phụ nữ: 133 người (tỷ lệ 26,80%), thấp hơn 17 người so với số dự kiến, nhưng cao hơn so với khóa XIII (122 người, tỷ lệ 24,40%).

- Đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (tỷ lệ 4,20%), thấp hơn so với dự kiến và thấp so với khóa XIII (42 người, tỷ lệ 8.40%).

- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (tỷ lệ 14,30%), cao hơn 21 người so với dự kiến, cao hơn so với khóa XIII (62 người, tỷ lệ 12,40%);

- Đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử khóa XIV: 160 người (tỷ lệ 32,30%), bằng số đã dự kiến; thấp hơn so với khóa XIII (167 người, tỷ lệ 33,4%);

- Đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu: 317 người (tỷ lệ 63,90%);

- Đại biểu đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 19 người ( tỷ lệ 3,83%).

- Đại biểu tự ứng cử: 2 người (tỷ lệ 0,4%); thấp so với khóa XIII (4 người, tỷ lệ 0,8%)

- Trình độ: Trên đại học: 310 người (tỷ lệ 62,50%); đại học: 180 người (tỷ lệ 36,30%); dưới đại học: 6 người (tỷ lệ 1,20%).

3. Kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp trứng cử như sau:

- Cấp tỉnh đạt 3908 người (thiếu 8 đại biểu so với số đại biểu được bầu), trong đó : Đại biểu người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 16,91%, thấp hơn 1,09% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Phụ nữ đạt tỷ lệ 26,46% tăng 1,29% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Ngoài Đảng đạt tỷ lệ 6,19%, tăng 0,15% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) đạt tỷ lệ 8,52%, giảm 2,1% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tái cử đạt tỷ lệ 33,34%, giảm 1,1% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tự ứng cử đạt tỷ lệ 8,72%, tăng 0,1% so với nhiệm kỳ 2011 - 2016.

- Cấp huyện đạt 25.179 người (thiếu 120 người so với số đại biểu được bầu), trong đó: Đại biểu người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 18,29%, giảm 1,81% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Phụ nữ đạt tỷ lệ 27,51%, tăng 2,89% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) đạt tỷ lệ 14,42%, giảm 0,95% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tái cử đạt tỷ lệ 32,79%, tăng 4,51% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tự ứng cử đạt tỷ lệ 0,2%, tăng 0,2% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Ngoài Đảng đạt tỷ lệ 5,66%.

- Cấp xã đạt 291.273 người (thiếu 6.626 người số với tổng số đại biểu được bầu), trong đó: Đại biểu người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 22,18%, giảm 0,28% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Phụ nữ đạt tỷ lệ 26,70%, tăng 4,99% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Trẻ tuổi (dưới 35 tuổi): đạt tỷ lệ 26,62%, tăng 3,48% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tái cử đạt tỷ lệ 44,75%, tăng 3,67% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Tự ứng cử đạt tỷ lệ 0,10%, tăng 0,09% so với nhiệm kỳ 2011-2016; Ngoài Đảng đạt tỷ lệ 16,95%.

Bầu cử thêm, bầu cử lại

a. Về bầu cử thêm:

 - Bầu cử thêm đại biểu Quốc hội: Có 02 đơn vị bầu cử của Thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm 02 đại biểu.

 - Bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: không có (nhiệm kỳ 2011-2016 có 02 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở 02 tỉnh phải tổ chức bầu thêm).

 - Bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Có 03 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở 03 tỉnh, mỗi tỉnh bầu thêm 01 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện (nhiệm kỳ 2011-2016 có 17 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở 08 tỉnh phải tiến hành bầu cử thêm).

 - Bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Có 642 đơn vị bầu cử thuộc 538 xã của 33 tỉnh, thành phố tổ chức bầu thêm 1285 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ( nhiệm kỳ 2011-2016 có 574 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở 29 tỉnh phải tiến hành bầu cử thêm).

b.Về bầu cử lại:

 Có 01 khu vực bỏ phiếu phải hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 01 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải hủy kết quả bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và tiến hành bầu cử lại ngày chủ nhật 5/6/2016. (Nhiệm kỳ 2011-2016 có 01 khu vực bỏ phiếu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 15 khu vực bỏ phiếu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở 06 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử lại).

 III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ CUỘC BẦU CỬ

1. Kết quả đạt được và nguyên nhân thành công

Thứ nhất, cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày diễn ra cuộc bầu cử. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao đạt 99,35% thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm cao của công dân trong việc đi bầu lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tham gia chính quyền các cấp, cũng là minh chứng cho sự thất bại của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử. Kết quả này khẳng định sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng; việc đóng góp ý kiến, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng; tổ chức vận động bầu cử; đến việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.

Thứ ba, công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật. Hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia giúp cho công tác chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn bầu cử kịp thời, chi tiết, cụ thể hơn, tạo điều kiện cho các địa phương, cơ sở thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện; công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, thiết thực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Thứ tư, cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất thường xảy ra.

Thứ năm, kết quả bầu cử cơ bản bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra, bảo đảm thành phần, cơ cấu đại biểu phù hợp với dự kiến, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước[2], cơ bản phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu được nâng lên… Kết quả bầu cử này góp phần xây dựng các cơ quan đại diện có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả hơn.

Thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp 2013 trong thời kỳ đổi mới.

 Nguyên nhân thành công của cuộc bầu cử trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Bộ Chính trị và cấp ủy đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử; thứ hai là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước vào công tác chuẩn bị bầu cử, sự hăng hái đi bầu và trách nhiệm trong từng lá phiếu để lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình; thứ ba là sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, các ngành, các cấp cụ thể là Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; thứ tư là sự chủ động tham mưu, giúp việc phục vụ bầu cử đã bảo đảm cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; thứ năm là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò động viên nhân dân tích cực tham gia vào cuộc bầu cử, thực hiện tốt công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử, tổ chức tốt vận động bầu cử; thứ sáu là chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực quán triệt các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; thông tin, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ; giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; chuẩn bị các cơ sở, vật chất kỹ thuật thuận lợi cho cuộc bầu cử…

 2. Một số hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này vẫn có hạn chế là:

Thứ nhất, vẫn có trường hợp để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu. Nhiều nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cần bầu, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay.

Thứ hai, một số cơ cấu chưa đạt được như định hướng, dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng; nhiều người do Trung ương giới thiệu không trúng cử ở một số tỉnh, thành phố, như: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Phú Yên, đây là vấn đề cần có sự đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thứ ba, việc một số ứng cử viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội không trúng cử trong hiệp thương lần thứ ba mà được cử tri nơi cư trú, cử tri ở cơ quan tín nhiệm chưa hoàn toàn được dư luận đồng tình.

Thứ tư, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất, có nơi tổ chức ít, có nơi tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc gây tâm lý cho người ứng cử.

Thứ năm, một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quant rung ương chậm được ban hành, một số biểu mẫu thống kê có sự điều chỉnh bổ sung trong khi có nhiều mẫu đã in phần nào mà ảnh hưởng đến công tác chuyển bị bầu cử ở các địa phương;

Thứ sáu, công tác tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia bỏ phiếu bầu cử còn chưa bám sát căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật làm cho một số bộ phận cử tri ở một số địa phương còn lúng túng trong việc nhận thức, hiểu chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cử tri.

Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: Một số nơi chưa làm tốt công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử để đảm bảo kết quả đạt được như dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là ở cấp xã. Việc chỉ đạo, kiểm tra ở một số cơ sở vẫn còn thiếu chặt chẽ. Nhiều nơi vẫn chưa chú trọng đúng mức công tác tập huấn bầu cử, nhất là đối với cán bộ, nhân viên Tổ bầu cử; vẫn còn để xảy ra trường hợp bầu hộ, bầu thay. Hướng dẫn về quy trình, cách thức tổ chức vận động bầu cử, quy trình xử lý đối với vi phạm về vận động bầu cử vẫn chưa rõ.

3. Một số bài học kinh nghiệm

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc bầu cử. Nơi nào có sự chỉ đạo sát sao, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng được phổ biến, quán triệt đầy đủ nơi đó công tác bầu cử được chuẩn bị chu đáo, triển khai công việc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, kết quả đạt cao.

- Sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chỉ đạo chuẩn bị bầu cử sẽ tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở trong việc tổ chức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử.

- Việc thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người dân về bầu cử với nhiều thức đa dạng, thiết thực, nội dung phong phú trong từng giai đoạn chuẩn bị; việc bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong việc vận động khuyến khích người dân, cử tri cả nước tham gia vào các bước trong quá trình bầu cử để tạo không khí tin tưởng, phấn khởi đối với cuộc bầu cử, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của công dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.

- Bảo đảm thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để chọn lựa được những ứng viên xứng đáng, đáp ứng đày đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

- Làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các Tổ bầu cử; bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc trước ngày bầu cử, quán triệt đầy đủ nguyên tắc trong bỏ phiếu, kiểm phiếu.

- Chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ các lực lượng an ninh, quốc phòng, dân phòng và toàn thể nhân dân để huy động tổng lực tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử.

- Thực hiện tốt chế độ báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cở sở.

IV. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN

1. Khẳng định thành công và nguyên nhân của những thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

2. Phân tích tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác triển khai bầu cử.

3. Phân tích những bài học kinh nghiệm, khẳng định sâu sắc vai trò quan trọng của công tác lãnh đạo chỉ đạo, sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan ban, ngành từ trung ương đến địa phương; vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền và những bài học kinh nghiệm trong xử lý những vấn đề nhạy cảm, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử.

4. Khẳng định đây là sự kiện chính trị đã góp phần bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng nhà nước; củng cố niềm tin vào hệ thống chính trị cho các tầng lớp nhân dân. Khẳng định thành công của cuộc Cuộc bầu cử là sự khởi đầu thuận lợi cho nhiệm kỳ mới của cơ quan dân cử các cấp.

5. Đề cao trách nhiệm người đại biểu nhân dân, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân.

6. Khẳng định thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ mới.

7. Khẳng định đây là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, đúng quy trình, quy định của pháp luật, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng thuận của cử tri cả nước. Đấu tranh với những luận điệu công kích, xuyên tạc kết quả bầu cử, gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân của các thế lực xấu.

8. Làm rõ những kết quả tích cực của cuộc bầu cử, thể hiện trong các số liệu trúng cử, cơ cấu đại biểu, trình độ đại biểu… để khẳng định sự sáng suốt lựa chọn của nhân dân.

9. Các phương tiện thông tin đại chúng không nên khai thác đậm nét những thông tin liên quan đến việc số ứng cử viên tự ứng cử đã trúng cử hoặc không trúng cử. Thận trọng khi thông tin, bình luận việc bầu cử lại hoặc bầu cử thêm, nơi có cơ cấu đại biểu chưa đạt định hướng ban đầu.

10. Biểu dương những đơn vị, địa phương, cá nhân triển khai tốt công tác bầu cử; kịp thời rút kinh nghiệm ở những nơi còn có hạn chế, yếu kém.
 

 BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết